Tết Trung thu, rằm tháng 8 là một trong những ngày lễ quan trọng đối với người dân Việt Nam. Đây không chỉ là lễ hội đặc biệt của các bé thiếu nhi mà còn là dịp các thành viên trong gia đình sum vầy bên nhau.
Vậy bạn đã biết Tết Trung thu 2022, rằm tháng 8 là ngày nào chưa? Ý nghĩa và nguốc gốc của Tết Trung thu là gì? Cùng Ninh Bình Stone tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1. Rằm tháng 8 là ngày gì?
Rằm tháng 8 là ngày 15 tháng Tám Âm lịch. Đây là 1 trong 4 ngày Rằm lớn nhất năm của người Việt cùng với Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu), Rằm tháng Tư (Lễ Phật Đản) và Rằm tháng Bảy (Lễ Vu lan). Rằm tháng Tám còn được gọi là Tết Trung thu hay sau này là Tết thiếu nhi. Ngày này những người con đi xa thường trở về sum họp bên gia đình, do đó ngày này còn được xem là Tết đoàn viên.
2. Tết trung thu, rằm tháng 8 2022 vào ngày nào?
Theo truyền thống văn hóa của dân tộc, Tết Trung thu sẽ được tổ chức vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm. Bởi đây là thời điểm trăng tròn, sáng và đẹp nhất. Vậy Tết Trung thu 2022 là ngày nào?
Dựa theo lịch Vạn niên, Tết Trung thu năm nay rơi vào thứ bảy, ngày 10 tháng 9 dương lịch. Và chỉ còn 16 ngày nữa là đến Tết Trung thu 2022. Do đó, bạn hãy tranh thủ sắp xếp công việc để chuẩn bị tiệc Trung thu cũng như những món quà ý nghĩa cho gia đình và các bạn nhỏ.
3. Những tên gọi khác của rằm tháng 8, tết trung thu
Tết Trung thu là tên gọi được nhiều người sử dụng nhất. Ngoài ra, lễ hội đặc biệt này còn có các tên gọi như Tết Thiếu nhi, Tết Trông trăng hay Tết Đoàn viên.
Tết Thiếu nhi
Sở dĩ có tên gọi này là do các hoạt động mùa Trung thu thường dành cho các bé thiếu nhi như múa Lân, múa Rồng, các trò chơi dân gian, rước đèn, diễn kịch Sự Tích Cung Trăng cùng chị Hằng và chú Cuội… Bên cạnh đó, các bé còn được người lớn tặng nhiều món quà hấp dẫn như đồ chơi, bánh kẹo, lồng đèn…
Tết Trông trăng
Rằm tháng 8 được cho là thời điểm trăng to, sáng và đẹp nhất. Các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ với nhiều loại trái cây, bánh kẹo hấp dẫn, trong đó không thể thiếu những chiếc bánh nướng, bánh dẻo. Mọi người sẽ quây quần bên nhau để chuyện trò, trông trăng, phá cỗ. Và tên gọi Tết Trông trăng cũng ra đời từ đó.
Tết Đoàn viên
Vào ngày Tết Trung thu, các thành viên trong gia đình sẽ tề tựu, sum vầy để tận hưởng những khoảnh khắc yên bình, cùng nhau tâm tình, ngắm trăng và thưởng thức bánh trung thu. Vì vậy Tết Trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên.
4. Nguồn gốc tết trung thu, rằm tháng 8
Tết Trung thu là ngày lễ truyền thống có mặt từ rất lâu ở Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… Nhưng đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định rõ Tết Trung thu có nguồn gốc từ đâu.
Có người cho rằng, Tết Trung thu của Việt Nam được du nhập từ Trung Quốc. Cụ thể vào thời Đường Minh Hoàng, trong đêm trăng rằm ngày 15/8 âm lịch, nhà vua dạo chơi vườn Ngự Uyển thì gặp một đạo sĩ La Công Viễn – Diệp Pháp Thiện.
Vị đạo sĩ này đã dùng phép tiên để đưa nhà vua lên cung trăng. Đến Phủ thanh hư Quảng Hàn của Hằng Nga, nhà vua và đạo sĩ được mời thưởng thức bánh tiên (bánh Trung thu) và xem các tiên nữ múa hát.
Về đến trần gian, nhà vua luôn mãi vấn vương cảnh tiên đêm rằm. Nên cứ vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm, nhà vua lại lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng. Kể từ đó hình thành phong tục ăn Tết Trung thu vào ngày rằm tháng 8 hàng năm.
Ngoài ra, ở Trung Quốc cũng lưu truyền một điển tích Hằng Nga – Hậu Nghệ nói về nguồn gốc Tết Trung thu. Hai người từng là những vị thần bất tử, bị vu oan tội lỗi phạm thiên đình nên bị đày xuống trần gian.
Một ngày kia, người con trai thứ 10 của Ngọc Hoàng đã phân thân thành 10 mặt trời gây ra thảm kịch cho loài người. Trước tình cảnh cấp bách, Ngọc Hoàng đã triệu Hậu Nghệ cứu giúp. Với tài bắn cung nổi tiếng của mình, Hậu Nghệ đã bắn rơi 9 mặt trời, chỉ còn lại 1 mà thôi.
Ngọc Hoàng ban thưởng cho Hậu Nghệ một viên thuốc trường sinh bất lão, dặn chàng tu luyện và một năm sau mới được uống. Hậu Nghệ làm theo và giấu thuốc trong một chiếc hộp trên nóc nhà.
Khoảng nửa năm sau, Hằng Nga tình cờ phát hiện ra viên linh dược và lấy uống. Hậu Nghệ không kịp ngăn lại, Hằng Nga đã bay lên mặt trăng. Dù mong nhớ chồng nhưng nàng vĩnh viễn không thể nào quay về được.
Ở trần gian, Hậu Nghệ ngày đêm thương nhớ vợ, chàng xây một lâu đài trong mặt trời, đặt tên là “Dương”. Hằng Nga cũng xây một lâu đài tương tự đặt tên là “Âm”. Cứ mỗi năm vào ngày rằm tháng 8, hai người được đoàn viên trong hạnh phúc.
Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung thu ở Việt Nam đã có từ thời xa xưa và được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121, Tết Trung thu được tổ chức ở kinh thành Thăng Long từ đời nhà Lý với các lễ hội rước đèn, đua thuyền, múa rối nước.
Vào thời Lê – Trịnh, Tết Trung thu được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa. Và nếu như ở Trung Quốc có các điển tích về Hậu Nghệ – Hằng Nga, thì ở Việt Nam lại có sự tích về chú Cuội, sự tích Thỏ Ngọc Cung Trăng để kể về ngày lễ đặc biệt này.
5. Ý nghĩa tết trung thu, rằm tháng 8
Ngày rằm tháng 8 trước tiên là dịp để con cháu sum vầy làm cơm dâng lên tổ tiên, ông bà để thể hiện lòng thành kính. Sau đó là dịp để các thành viên có cơ hội gần nhau, tăng thêm tình cảm, gần gũi sau những ngày tháng làm lụng vất vả.
Ngày rằm này cũng là dịp để người lớn thể hiện sự quan tâm đối với con trẻ, cho chúng có dịp vui chơi sau những ngày học hành vất vả. Sau đó là tổ chức mâm cỗ trông trăng, cùng nhau phá cỗ, chuyện trò, tâm sự về những dự định trong tương lai.
Không chỉ có ý nghĩa với trẻ em, ngày tết Trung Thu cũng chính là dịp để các thành viên trong gia đình gần gũi với nhau hơn, thể hiện sự yêu thương, đoàn kết, san sẻ những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.
Ngoài ra, tết Trung Thu còn là dịp để người dân ngắm trăng tiên đoán mùa màng hay vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thái bình, thịnh trị.
6. Phong tục dịp tết trung thu, rằm tháng 8
Phong tục ngắm trăng dịp tết trung thu, rằm tháng 8
Phong tục ngắm trăng vào dịp Tết trung thu xuất phát từ ý nghĩa rất to lớn của nền văn hóa lúa nước. Bởi tháng 8 là thời điểm cảnh trời đẹp nhất, khí hậu mát mẻ, ánh trăng chiếu sáng soi rõ từng cảnh vật về đêm. Đây cũng là thời điểm nông dân của chúng ta nhàn rỗi nhất trong năm. Mọi người có thể thảnh thơi ngắm trăng thưởng nguyệt, hòa mình vào đất trời, bỏ lại những lam lũ vất vả phía sau.
Ý nghĩa Tết trung trung với phong tục ngắm trăng còn thể hiện đậm nét qua hình ảnh các thành viên trong gia đình ngồi quây quần cùng nhau ngắm trăng. Dưới ánh trăng sáng, ông bà, bố mẹ kể lại những câu truyện cổ tích về chú Cuội chị Hằng cho con cháu.
Phong tục phá cỗ vào tết trung thu, rằm tháng 8
Tết trung thu cũng là dịp dâng lên tổ tiên, những người đã khuất mâm cỗ để bày tỏ lòng thành kính. Mỗi vùng miền sẽ có cách bày trí khác nhau mang màu sắc riêng; có thể là bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi, dưa hấu,..
Khi ánh trăng lên đỉnh đầu là thời điểm mà mọi người cùng nhau phá mâm cỗ, thưởng thức hương vị Tết trung thu bên gia đình. Mâm cỗ trung thu có ý nghĩa dâng trăng tế trời, cầu mong cuộc sống tốt lành, mùa màng bội thu, và gia đình đoàn viên.
Phong tục múa lân vào tết trung thu, rằm tháng 8
Mỗi dịp tết trung thu đến, đường phố nhộn nhịp tiếng trống lân; và múa Lân là một trong những hoạt động không thể thiếu được các em nhỏ rất mong đợi. Múa Lân thường được diễn vào đêm 14 và 15 tháng 8 hàng năm.
Ý nghĩa Tết Trung Thu con Lân tượng trưng cho điềm lành, vì thế múa Lân vào đêm Trung Thu với mong muốn mang đến phước lành cho mọi nhà. Những điệu nhảy theo nhịp trống, hòa vào tiếng trống nhộn nhịp và những sắc màu đẩy nổi bật là kỷ niệm khó quên với bất kỳ đứa trẻ nào.
Phong tục ăn bánh trung thu vàm tết trung thu, rằm tháng 8
Ý nghĩa của bánh Trung Thu là biểu tượng cho sự đoàn tụ và hòa thuận của mọi thành viên trong gia đình. Bánh Trung Thu đã trở thành một món ăn đặc biệt chỉ có vào dịp Trung Thu và không thể thiếu ở bất cứ gia đình nào.
Ý nghĩa bánh Trung Thu nằm ở việc cắt bánh, bởi bánh sẽ được cắt sao cho bằng đúng với số thành viên trong gia đình. Miếng bánh cắt càng đều thì gia đình càng hoàn thuận và hạnh phúc.
7. Mâm cúng gia tiên rằm tháng tám – tết trung thu cần chuẩn bị những gì?
Theo kinh nghiệm dân gian cúng lễ vào sáng sớm sẽ tốt hơn là vào trưa hay sau chiều. Mâm cúng gia tiên có thể chuẩn bị giống với nhiều dịp khác như Rằm tháng giêng, Rằm tháng 7 với các món như:
- Bánh kẹo.
- Xôi gấc hoặc xôi đỗ, xôi cốm…
- Trầu cau
- Hoa tươi.
- Đĩa hoa quả gồm 5 loại quả.
- Tiền, vàng.
- Hương, đèn, nến…,
- 1 chén rượu, 1 chén trà, 1 chén nước, 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối.
Gia đình có thể chuẩn bị thêm 1 mâm cơm cúng lễ. Mâm cơm cúng lễ có các món ăn gia đình hàng ngày, các món ăn đơn giản để dâng lên tổ tiên thể hiện lòng biết ơn và sự thành kính. Các món ăn mặn hoặc chay tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Ngoài ra, mâm cúng còn phải có bánh nướng và bánh dẻo. Đây là 2 món bánh đặc trưng cho dịp Trung thu và gia đình nào cũng phải có.
Tuy nhiên với những gia đình không có nhiều điều kiện và thời gian cũng hạn hẹp hơn, có thể chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo đơn giản để thắp hương vào sáng ngày rằm.
Mâm cỗ trông trăng
Thông thường, mâm cỗ trông trăng sẽ không cần bày lên ban thờ mà chỉ cần đặt lên một chiếc bàn rộng, có thể để trong nhà hoặc ngoài sân tùy vào từng gia đình. Mâm cỗ này thường sẽ có những loại hoa quả, trái cây như:
- Nải chuối chín.
- Quả bưởi (mang ý nghĩa cầu mong những điềm lành).
- Quả hồng (mang ý nghĩa của sự no đủ).
- Quả na (mang ý nghĩa sinh sôi).
- Quả lựu (tượng trưng cho sự may mắn).
- Bánh nướng.
- Bánh dẻo.
- Các loại trà như trà sen, trà hoa nhài, trà mạn… để thưởng thức cùng với bánh nướng, bánh dẻo.
- Các loại bánh, kẹo, bim bim, thạch… mà bé yêu thích.
- Các loại đồ chơi như đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn con thỏ, mặt nạ, đầu sư tử, trống…
Nên chọn các loại hoa quả có đủ 3 màu vàng, xanh, đỏ để mang ý nghĩa cân bằng âm, dương.
Trên đây Ninh Bình Stone đã giải đáp cho bạn những thắc mắc về ngày rằm tháng 8, Tết Trung thu 2022 là ngày nào? Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày rằm tháng 8, Tết Trung thu là gì? Từ đó bạn có kế hoạch chuẩn bị đón Tết Trung thu 2022 cùng gia đình, người thân trọn vẹn và ý nghĩa nhất.
Tôi là Lê Ngọc Tùng, CEO của Ninh Bình Stone. Hơn 10 năm qua tôi và đội ngũ của tôi luôn cố gắng mang đến những sản phẩm đá mỹ nghệ chất lượng và giá thành hợp lý nhất. Chúng tôi chuyên thi công và thiết kế lăng mộ đá, công trình kiến trúc đá và cung cấp các loại đá ốp lát cho thị trường Bắc – Trung – Nam. Các sản phẩm của chúng tôi luôn đảm bảo về chất lượng, giá cả và có độ bền cao.