Sinh năm 1989, Lê Ngọc Tùng, ông chủ thương hiệu nổi tiếng Ninh Bình Stone được nhắc đến như một hình mẫu doanh nhân trẻ khởi nghiệp thành công bằng sự tự học hỏi, trau dồi từ thực tế và một tình yêu gửi trọn vào đá mỹ nghệ.
Doanh nhân trẻ Lê Ngọc Tùng
Trúng “tiếng sét ái tình” với đá
Lê Ngọc Tùng sinh ra và lớn lên tại làng nghề làm trống Đọi Tam – Duy Tiên – Hà Nam. Đam mê nghệ thuật và ánh đèn sân khấu nhưng do gia đình không có điều kiện theo đuổi nên anh đã chọn thi vào ngành Toán Tin trường Sư phạm.
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học, đường đời của Tùng lại xuất hiện ngã rẽ khi anh không theo đuổi lối đi của một thầy giáo, mà lựa chọn nghiệp kinh doanh, với ước mơ phát triển các sản phẩm đá thủ công mỹ nghệ. Thời điểm đó, đây được coi là một nghề “khó nhai, khó nuốt” như chính tên gọi của nó, nhất là đối với những người không phải “con nhà nghề” như Lê Ngọc Tùng.
“Tôi nảy ra ý tưởng này trong một lần tình cờ qua một xưởng sản xuất đá thủ công mỹ nghệ, tôi đã chạm phải tiếng sét ái tình với những hình khối do các nghệ nhân tạo ra”, Tùng kể.
Với số vốn ít ỏi, chưa từng sản xuất đá thủ công mỹ nghệ và chưa biết thị trường cần gì, vận hành ra sao, anh đã gặp rất nhiều khó khăn khi khởi nghiệp, sản phẩm làm ra không có người mua, nguồn cung sản phẩm khó tìm,… “Rất nhiều người khuyên tôi dừng lại. Họ cho rằng, tôi đang nhầm lẫn khi tin vào những khối đá vô tri, vô giác. Thế nhưng, tôi kiên quyết bước tiếp”, Lê Ngọc Tùng nhớ lại.
Tùng quyết định vay hàng trăm triệu đồng để mua các loại máy móc chuyên dụng, đồng thời tuyển thêm nhiều thợ lành nghề để sản xuất các mặt hàng mới cung cấp ra thị trường. Sau một thời gian, những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh đã được đền đáp xứng đáng. Sản phẩm nhận được sự phản hồi tích cực của khách hàng. Số lượng khách đặt hàng mới tăng đến 70 – 80% so với lúc ban đầu.
Lê Ngọc Tùng luôn tận tình, hướng dẫn nhân viên công ty
Đến năm 2013, khi thị trường bất động sản bắt đầu ấm lại, sản phẩm đá thủ công mỹ nghệ của Lê Ngọc Tùng ngày càng được quan tâm, anh đã quyết định thành lập Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đá mỹ nghệ Ninh Bình (Ninh Bình Stone) để từng bước chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất. Lựa chọn phát triển kinh doanh từ làng nghề truyền thống đã giúp cho anh có nhiều bài học khởi nghiệp đáng quý.
Tìm hướng đi mới cho đá mỹ nghệ
Tùng vẫn nhớ như in thời điểm năm 2015, khi anh mở xưởng trưng bày tại Hà Nội, Hà Nam, TP.HCM. Lúc đó, chỉ chăm chăm dồn vốn mở xưởng, anh lại quên mất việc quan trọng là phát triển vùng nguyên liệu. Vì vậy, dù đơn hàng nhiều, nhưng anh vẫn thất bại khi không có nguyên liệu để sản xuất.
Để khắc phục, Tùng phải chọn bước đi khó khăn nhất là thay đổi tư duy xây dựng doanh nghiệp, phá bỏ lối cũ, thanh lọc toàn bộ hệ thống nhân sự văn phòng và loại bỏ những rủi ro đã gặp phải trong sản xuất, nhân sự, hàng hoá. Đã có lúc, công ty của anh chỉ còn vỏn vẹn 3 người… Nhưng rồi, hướng đi mới đã đưa Tùng trở lại với thành công.
Theo Lê Ngọc Tùng, việc chuyển đổi từ mô hình hộ sản xuất gia đình sang công ty cổ phần giúp Ninh Bình Stone tạo dựng thương hiệu tốt hơn, đồng thời mở rộng thị trường tại Hà Nội và TP.HCM dễ dàng hơn. Hiện tại, sau hơn 3 năm phát triển, Ninh Bình Stone đã có 9 công ty thành viên và hàng chục loại sản phẩm từ phù điêu đá, đá ốp lát, đến lan can đá, công trình đá, tượng đá…
Doanh thu của Ninh Binh Stone tăng khá đều đặn qua các năm, với mức tăng trưởng trung bình 20 – 30%/năm. Năm 2016, Ninh Bình Stone đã lọt vào Top 100 “Thương hiệu – sản phẩm – dịch vụ nổi tiếng tại Việt Nam” do người tiêu dùng bình chọn. Bản thân Lê Ngọc Tùng cũng lọt vào Top 25 Doanh nhân trẻ tiêu biểu Thủ đô 2016, Top 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2017.
Ngày 19/5/2017, CEO Hoàng Tùng vinh dự được trao tặng danh hiệu
“Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2017”
Đam mê với đá mỹ nghệ đã cho Lê Ngọc Tùng nhiều thành công
Hiện tại, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ chính của Ninh Bình Stone có diện tích trên 2.000 m2, tạo việc làm cho gần 100 lao động tại địa phương với mức lương trung bình từ 7 đến 9 triệu đồng/người/tháng. Ninh Bình Stone còn có 2 nhà máy và 8 nhà xưởng hiện đại đặt tại Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, mỗi năm cung ứng hàng ngàn sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước.
Chat với doanh nhân Lê Ngọc Tùng: Anh ấn tượng điều gì nhất trong quá trình khởi nghiệp với Ninh Bình Stone? Đó chính là sự chia sẻ và tình cảm của người lao động dành cho tôi. Là người ngoại đạo, chưa có kinh nghiệm sản xuất thủ công mỹ nghệ, anh hoàn thiện khiếm khuyết đó như thế nào? Tôi dành thời gian theo sát người lao động, từ khâu làm đá thô tới hoàn thiện sản phẩm. Có nhiều lúc tôi ngủ tại xưởng, thức trắng đêm tham gia sản xuất cùng người thợ. Làm chủ nhiều công ty, anh chọn quản trị theo hướng nhân trị hay kỹ trị? Tôi dùng người và sử dụng thuật Nhân Hoà trong bộ tứ thư lãnh đạo tôi đã từng đọc. |
Nguồn: baodautu.vn