[HỎI]: Khách hàng Trần Văn Bình (Hải Phòng) hỏi: Tôi muốn quý công ty tư vấn thêm về cách tính toán độ sâu đặt mộ cho gia tiên như thế nào là hợp phong thủy? Cần lưu ý gì khi xây mộ? Xin cảm ơn!

[ĐÁP]: Công ty CP XNK Đá mỹ nghệ Ninh Bình xin trả lời khách hàng Trần Văn Bình như sau:

Trước khi đặt mộ, gia đình phải tiến hành phân kim điểm hướng để chọn hướng tốt nhất. Tuy nhiên đây là công việc khá phức tạp cần sự hiểu biết của nhà phong thủy. Vì vậy ở đây chúng tôi chỉ xin nói về việc tính toán độ sâu đặt mộ. Hiện nay, trong phong thủy âm trạch người ta chia ra các kiểu huyệt như sau:

– Thạch huyệt: Là huyệt mộ ở trong đá, nên chọn chỗ đá mềm và ấm, dễ đào khoét hoặc chỗ đá có màu tím hay trắng được coi là “cát huyệt”. Nếu đất đá bị cứng, khô, lạnh lẽo thì được gọi là “hung huyệt”. Thạch huyệt mềm, khoét sâu 20 – 30 cm (nhiều nhất là 40 cm), sau đó để tiểu vào và lấy đất liền thổ (đất tốt, sạch) lấp lại, cuối cùng là đắp thành nấm. Nếu khoét sâu quá sẽ bị thoát khí.

– Thổ huyệt: Là huyệt mộ nằm trong đất, chọn chỗ đất có chất mịn, hạt nhỏ, chắc chắn (nếu quá ẩm, thấp, tơi tả là hung). Chọn chỗ đất có màu sắc hồng, màu vàng, có ánh kim là điều tốt. Lưu ý là huyệt phải đào sâu đến mạch khí mới tốt.

Thổ huyệt bao gồm 3 loại đất: phù thổ, thực thổ và huyệt thổ. Phù thổ là lớp đất mặt trên cùng của huyệt mộ. Thực thổ là phần đất ở sau lớp phù thổ, ta hay gọi là đất liền thổ. Huyệt thổ là lớp đất dưới lớp thực thổ. Đây chính là vùng đất tích tụ sinh khí của Long mạch, quý báu như ngọc trong đá. Vì vậy trước khi tính toán độ sâu đặt mộ, khi đào huyệt nhất thiết phải đào đến lớp huyệt thổ nhưng cũng tuyệt đối không được đào xuyên qua lớp đất huyệt thổ. Lý do là vì lớp đất này tàng trữ sinh khí, nếu chưa đào đến lớp đất này thì chưa lấy được khí mạch rót vào huyệt, còn nếu đào xuyên qua sẽ làm tổn thương Long mạch, thậm chí cắt đứt Long mạch. Trường hợp đào xuyên qua thổ huyệt không còn là táng nữa mà chính là hiện tượng trấn yểm, cắt đứt Long mạch. Do vậy khi lấy chiều sâu của huyệt phải hết sức thận trọng, đòi hỏi phải có sự tinh thông về thổ huyệt.

Cần tính toán độ sâu khi đặt mộ để tránh phạm phong thủy

Để phân biệt được thổ huyệt phải căn cứ vào loại Long mạch, màu sắc cũng như đường vân của thớ đất. Đường vân của thổ huyệt thường có nhiều dạng như hình thái cực, như vân của vỏ ốc, hoặc như lỗ vuông của đồng tiền cổ hoặc có những sợi ánh vàng, đỏ xen nhau. Khi đào đến huyệt thổ hoặc nghi ngờ đó là huyệt thổ, ta phải bốc một ít đất và dùng tay vê thử, nếu đất thành viên tròn thì đó chính là chân thổ, có thể cho đào sâu xuống nữa.

Lưu ý cố gắng đào với diện tích hết sức nhỏ, chỉ vừa đủ đặt quách và tiểu là tốt nhất, đào lớn quá sẽ gây đứt Long mạch. Nếu đào tới độ sâu mà không thể vê đất thành viên được tức là lúc đó phần đất huyệt thổ đã hết. Như vậy chúng ta thấy rằng khi táng, quách phải nằm trọn trong lớp đất huyệt thổ và lỗ đào không quá lớn để không làm tổn thương Long mạch. Do vậy, người ta cũng không có công thức chung cho độ sâu của huyệt mộ, chỉ có thể ngồi tại chỗ và quan sát các tầng đất để có thể đặt quách và tiểu nằm lọt vào trong lớp đất huyệt thổ. Thông thường làm mộ đúng trong thời gian từ Trung Thu đến ngày Đông Chí thì lớp đất huyệt thổ chỉ còn sâm sấp một lớp nước mỏng.

Một số lưu ý quan trọng khi tính toán độ sâu đặt mộ

Khi xây dựng huyệt mộ, người ta chỉ xây ở xung quanh bằng gạch chỉ và phần dưới cùng, đất phải để nguyên đất huyệt thổ, không được trát vữa hay đổ bê tông vào lòng huyệt. Bởi làm như vậy sẽ ngăn cản địa khí không nhập vào huyệt mộ được. Dưới đáy huyệt phải đánh độ dốc khoảng 3 độ từ đầu tới chân (đầu cao hơn chân).

Khi tính toán độ sâu đặt mộ chẳng may gặp phải đất là huyệt hung táng đã cải đi rồi, tốt nhất là tránh ra chỗ khác. Trường hợp bất khả kháng, người ta phải đào hết đất cũ đi đến phần đất liền thổ rồi đặt quách và tiểu chìm hẳn vào lớp đất liền thổ đó. Sau khi lấp huyệt phải dùng đất sạch (tốt nhất là đất phù sa sông) để lấp.

Theo kinh nghiệm, lớp đầu tiên dùng cát để cố định quách không cho dịch chuyển sau khi đã phân kim – điểm hướng. Lấp khoảng 1/3 chiều cao của quách mới cho đất mịn xuống tiếp cho đến khi ngang mặt trên của quách. Tiếp sau đó mới cho đất cục lớn và lấp dần tới cách mặt đất khoảng 40 cm. Lúc này phải cho một lớp cát có chiều dày khoảng 10 – 15 cm phủ lên trên. Mục đích của lớp cát này là để chống mối không cho ăn vào quách. Khi những con mối đào hang tới lớp cát sẽ bị cát sụt xuống làm sập lỗ đào, khiến con mối đó bị giữ lại và chết trong lớp cát đó. Lưu ý là sau khi hạ quách xuống, phải cho tấm bia cũ ở mộ hung táng xuống phía chân quách.